MENTORING

Những điều cha mẹ cần làm khi con học cấp 3

Những điều cha mẹ cần làm khi con học cấp 3

Khi con học cấp 3, cuộc sống sẽ có nhiều thay đổi. Trường lớp, tâm sinh lý, chuyện học tập và bạn bè…, tất cả các yếu tố này đều có thể tạo nên những áp lực không đáng có nếu con không được chuẩn bị tinh thần tốt. Để giúp con có tâm lý vững vàng và tích cực, cha mẹ hãy lưu tâm một vài gợi ý sau trong quá trình chăm sóc và giao tiếp cùng con.

 

Những điều cha mẹ cần làm khi con học cấp 3
                                                                             Những điều cha mẹ cần làm khi con học cấp 3

1. Dành thời gian cho con

Con càng lớn, thời gian dành cho bố mẹ càng ít đi. Khi con học cấp 3, con sẽ có những mối quan tâm, sở thích mới. Chẳng hạn như kết bạn mới, tham gia các hoạt động ngoại khoá hay đi học thêm. Những câu chuyện trong bữa ăn gia đình dần ít đi. Nhiều khi sẽ trở nên gượng ép, đặc biệt khi cha mẹ và con không tìm được nhiều điểm chung.

Cách tốt nhất để trò chuyện cùng con là tạo ra những điểm chung bằng cách rủ con làm một việc gì đó cùng bạn. Bố có thể rủ con trai xem bóng đá hoặc cùng chơi một môn thể thao. Mẹ có thể cùng con gái đi mua sắm, mát xa hay làm tóc. Nếu việc này diễn ra thường xuyên, con bạn sẽ cảm thấy gần gũi hơn khi ở bên bạn. Ban đầu con có thể im lặng, nhưng dần dần con sẽ cởi mở hơn và bắt đầu kể cho bạn nghe những câu chuyện xung quanh cuộc sống của chúng.

Một vài hoạt động khác để gia đình có thể dành thời gian cho nhau như đi ăn sáng hoặc cafe vào cuối tuần. Chọn những không gian thoáng đãng nơi cả gia đình cảm thấy thoải mái. Bạn không nhất thiết phải đưa ra những câu hỏi trực tiếp cho con như: “Dạo này ở trường lớp có gì hay không?”. Hãy bắt đầu bằng câu chuyện của bạn, hoặc một sự kiện thời sự như dịch đậu mùa khỉ hay vị trí của Việt Nam tại Sea Games, từ đó tạo ra một cuộc thảo luận nhỏ để hiểu được những quan điểm và suy nghĩ của con.

2. Luôn kiên nhẫn và tôn trọng con

Dậy thì là thời kỳ chuyển tiếp từ trẻ con thành người lớn. Độ tuổi này con bắt đầu muốn thoát ra khỏi sự bao bọc của cha mẹ. Giai đoạn này, con thường nghe lời bạn hơn là cha mẹ và muốn tự có quyết định của mình. Kể cả khi những quyết định này ngược với điều cha mẹ mong muốn.

Cha mẹ cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng khi con trò chuyện. Cùng con đưa ra những phân tích thấu đáo. Từ đó giúp con có cái nhìn toàn diện hơn về một vấn đề. Đồng thời cứ để con tự do trải nghiệm và rút ra bài học cho riêng mình.

Sẽ không tránh khỏi những lúc con không hài lòng với cha mẹ, con có thể to tiếng cãi lại và thách thức cha mẹ. Những lúc như vậy, bạn phải giữ bình tĩnh và tuyệt đối không ăn thua ai đúng ai sai với con. Hãy chủ động ngừng cuộc nói chuyện. Khi cả hai đã nguôi giận thì có thể ngồi lại và nói chuyện thẳng thắn về những chuyện đã xảy ra. Bạn cũng có thể áp dụng công thức “Con – Bố/Mẹ – Chúng ta” để trò chuyện với con.

Việc này không chỉ giúp bạn hiểu được tâm lý của con. Mà con bạn cũng sẽ học được cách xử sự từ bạn, từ đó biết kiềm chế bản thân trong những tình huống không có bạn ở bên.

Xem thêm: Công nghệ Thấu Hiểu Bản Thân 

3. Để con được rung động

Tình cảm học trò là điều không thể thiếu trong đời học sinh của mỗi người. Khi con học cấp 3, chắc chắn việc này lại càng dễ xảy ra hơn. Đa phần cha mẹ sẽ lo ngại về việc con có những rung động tình cảm. Và coi đây là mối đe doạ tới kết quả học tập của con. Nhiều bậc cha mẹ cũng lo lắng việc dính vào chuyện yêu đương sẽ khiến con “lớn” sớm. Vì vậy, cha mẹ thường ngăn cấm con có những quan hệ trên mức tình bạn.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng việc ngăn cấm chỉ khiến các con thêm chống đối. Thay vì công khai tình cảm, các con sẽ lén lút duy trì để không bị cha mẹ phát hiện. Việc này nhiều khi còn để lại những tác hại khó kiểm soát hơn là để các con tự do rung động và kết bạn.

Điều cha mẹ cần làm là dành thời gian tâm sự cùng con để hiểu con hơn. Chia sẻ với con những câu chuyện từ trải nghiệm thực tế của cha mẹ. Từ đó giúp con có cái nhìn nhiều chiều về các mối quan hệ tình cảm ở tuổi mới lớn.

4. Hướng nghiệp cho con

Hướng nghiệp là công việc cần làm càng sớm càng tốt. Tuy nhiên ở Việt Nam việc này lại chưa thực sự được các bậc phụ huynh coi trọng. Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội, mỗi năm có thêm hơn 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp. Lý do bao gồm việc các con chưa được trang bị những kỹ năng cần thiết, chọn sai ngành học khi vào đại học…. Chắc chắn bạn không muốn con mình rơi vào tình cảnh này.

Hơn ai hết, bạn là người hiểu con có điểm mạnh và điểm yếu nào. Vì vậy sự tác động của bạn tới nghề nghiệp tương lai của các con là vô cùng quan trọng. Khi con học cấp 3, hãy cho con tham gia các hoạt động ngoại khoá phù hợp với từng ngành nghề. Điều này giúp con va chạm và có trải nghiệm thực tế. Bạn cũng có thể đăng ký cùng con tới các buổi hội thảo chuyên ngành. Để thảo luận và trao đổi với con về nguyện vọng nghề nghiệp tương lai.

Cùng con làm những bài trắc nghiệm tính cách để xác định xu hướng nghề nghiệp và xử lý công việc của con cũng là một cách tốt để con có thể nhìn lại những điểm mạnh và điểm yếu của bản thân.

Ngoài ra cha mẹ cũng cần tìm hiểu về xu hướng kinh tế xã hội trong nước và thế giới. Để đón đầu những nghành nghề được săn đón trong tương lai. Từ đó hướng cho con theo học những ngành vừa phù hợp với khả năng của bản thân, vừa cần thiết cho nhu cầu của xã hội.

5. Đoạn kết

Cha mẹ hãy trở thành người bạn thân thiết của con. Là chỗ dựa tinh thần để con tâm sự chuyện tình cảm, những vấp váp ở lứa tuổi học trò. Chỉ khi duy trì được mối quan hệ gần gũi và bình đẳng với con cái. Cha mẹ mới có thể đồng hành và đưa ra những lời khuyên giúp con chinh phục chặng đường mới.

Xem thêm: Trắc nghiệm Khí Chất

 

BÀI LIÊN QUAN

Những điều cần biết khi chăm sóc trẻ từ 0 đến 3 tháng tuổi

adminTLA

Một dấu hiệu bạn cần thấu hiểu bản thân

adminTLA

Hiểu thiên hướng tính cách của bản thân để chọn nghề phù hợp

Đinh Hảo

Leave a Comment