Những vấn đề thường gặp của sinh viên
Nếu có ai đó nói rằng “sinh viên chỉ có ăn học thôi cũng không làm tốt” thì người đó khá là nông cạn. Sinh viên không chỉ ăn học đơn thuần mà còn phải học cách sống ngoài xã hội. Trở thành sinh viên tức là bạn đã bắt đầu từng bước khám phá thế giới mới. Bạn phải khám phá bản thân và những điều thú vị khác. Và chắc chắn những điều thú vị ấy cũng bao gồm cả khó khăn đi kèm. Sinh viên sẽ đối mặt với những khó khăn gì?
Công việc học tập
Vấn đề
Học Đại học không giống như học các cấp Trung học. Ở các cấp dưới, thầy cô sẽ chủ động nhiều hơn. Lớp học cố định, thân quen, phương thức giảng dạy của thầy cô cũng khác hơn so với Đại học. Khi chưa hiểu bài, các bạn sẽ có thể nói chuyện ngay với giáo viên để được hướng dẫn lại.
Đôi khi, các bạn vẫn không quen với nhịp giảng dạy như ở Đại học, nhất là một số sinh viên năm nhất. Tại đây, việc các bạn tự giác và cố gắng chủ động trong học tập là điều cần phải có.
Hơn nữa, các bạn phải tự biết sắp xếp lịch học sao cho phù hợp. Nhiều sinh viên học hết 15 học kỳ tín chỉ. Trong khi các bạn khác cố gắng nhồi nhét lên đến 18 hoặc thậm chí là 21 tín chỉ. Một số sinh viên đợi kết thúc học kỳ mới học để thi, và thức đêm thức hôm để nhồi nhét kiến thức. Chưa kể đến là các bạn có thể rớt môn và từ đó áp lực học tập lại tăng cao.
Giải pháp
Bạn nên biết giới hạn của bản thân. Mục đích của trường đại học là để học tập và nghiên cứu. Điều đó không có nghĩa tất cả thời gian đều phải học. Quan trọng là phải sắp xếp thời gian lên kế hoạch hợp lý để học tập, giải trí và nghỉ ngơi, giữ cho tâm trí của bạn thoải mái. Thêm nữa, các bạn phải biết tự giác học tập nhiều hơn, tìm tòi những thứ chưa hiểu để củng cố kiến thức. Đôi khi, bạn đừng ngại gửi cho giảng viên những lá mail nhờ sự trợ giúp. Hoặc bạn có thểhỏi lại bạn bè những kiến thức chưa hiểu rõ.
Xem thêm: Công nghệ Thấu Hiểu Bản Thân
Vấn đề tài chính
Vấn đề
Cuộc sống sinh viên thì có vô số những thứ phát sinh khiến nhiều bạn không có đủ tài chính để hoạt động theo mong muốn. Học phí ngày càng tăng cao. Thêm vào đó là chi phí ăn uống, vật tư, giao thông, tiền trọ và sách giáo khoa, … Các bạn sinh viên đôi lúc cũng cần đi giao lưu với mọi người, các bạn mới ở clb, đoàn khoa, hay có thể là những buổi gặp mặt bạn cũ, … Rất nhiều việc có thể xảy ra cần dùng đến tài chính. Đối với một số sinh viên, gia đình không mấy khá giả đã bỏ học vì không đủ khả năng chi trả. Những người khác buộc phải làm công việc bán thời gian để kiếm sống.
Giải pháp
Có thể nói cách tốt nhất mà các bạn cần làm là học cách tiết kiệm. Biết chi tiêu hợp lý. Sinh viên cũng có thể chọn ở những căn trọ đơn giản không quá đắt, kế hoạch mua sắm rõ ràng, tìm kiếm một vài công việc làm thêm đơn giản để vẫn đảm bảo việc học, …
Sinh viên và các công việc làm thêm
Vấn đề
Để đủ khả năng chi trả học phí đại học, nhiều sinh viên phải kiếm việc làm thêm. Tuy nhiên, điều này gây cản trở việc học. Thời gian cho việc học và những hoạt động ngoại khóa ngày càng thu hẹp và trở nên khó khăn. Nhiều sinh viên không thể sắp xếp thời gian học tập và làm việc một cách hợp lý sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập. Hơn nữa, nếu không có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, sinh viên dễ bị ảnh hưởng đến các vấn đề sức khỏe, thể chất và tinh thần.
Giải pháp
Bạn phải xem xét những ưu tiên giữa việc học và đi làm thêm. Ngoài ra, khi chọn công việc làm thêm, bạn phải lựa chọn kỹ công việc phù hợp với lịch học để không bị ảnh hưởng. Làm thêm cũng là một việc giúp ta trải nghiệm. Nhưng đừng để nó ảnh hưởng đến việc học. Bạn cần cân bằng giữa học và làm hay có thể là tìm sự giúp đỡ từ gia đình.
Xem thêm: Trắc nghiệm Tính Cách